Website đang trong giai đoạn thử nghiệm
Hướng dẫn
Ván cược của Tiki trong cuộc chiến TMĐT: Dồn lực vào chính mô hình "tự thân vận động" bị cho là điểm yếu
22:46 - 21/09/2023

Mô hình tự nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển của Tiki thông qua Tiki Trading bộc lộ nhiều điểm yếu sau khi Shopee gia nhập thị trường Việt Nam với mô hình Marketplace – tức là thu hút các nhà bán hàng tham gia vào sàn. Tuy nhiên, số liệu của YouNet ECI cho thấy tỷ trọng của Tiki Trading trong tổng giá trị hàng hóa giao dịch toàn sàn đã tăng đột biến lên 74,9%.

 

Ván cược của Tiki trong cuộc chiến TMĐT: Dồn lực vào chính mô hình "tự thân vận động" bị cho là điểm yếu - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt thay đổi đang diễn ra đối với Tiki. Chỉ trong ngày 15/8, Tiki vừa giới thiệu hai “tướng” mới là ông Richard Triều Phạm – giữ chức Tổng Giám đốc Tiki và bà Vũ Thị Nhật Linh đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc TikiNow Logistics, đồng thời công bố thay đổi bộ nhận diện thương hiệu.

Đáng chú ý, tagline “Tìm kiếm và Tiết kiệm” vốn là xuất phát điểm của tên thương hiệu “Tiki” cũng được đổi thành “Tốt và Nhanh”, nhằm nhấn mạnh mục tiêu chỉ cung cấp hàng chính hãng 100% và đẩy mạnh nhận hàng nhanh.

Ván cược vào Tiki Trading

Theo công ty phân tích dữ liệu TMĐT YouNet E-commerce Intelligence (YouNet ECI), những bước đi này phản ánh các thay đổi lớn đang diễn ra trong hoạt động kinh doanh của Tiki.

Số liệu độc quyền của YouNet ECI chỉ ra một xu hướng thú vị: từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, tỷ trọng của gian hàng Tiki Trading trong tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) toàn sàn Tiki đã tăng đột biến từ 55,8% lên 74,9%. Như vậy, hiện chỉ còn 1/4 GMV của Tiki là đến từ các nhà bán hàng khác trên sàn.

Tiki Trading là gian hàng bán lẻ do chính Tiki vận hành, phân phối trực tiếp các sản phẩm chính hãng đến người mua. Kênh phân phối này giúp Tiki chủ động hơn trong việc lựa chọn các mặt hàng bán chạy, thương lượng trực tiếp với các nhãn hàng để có mức giá tốt, đặc biệt là đảm bảo chất lượng giao vận nhờ tận dụng hệ thống kho bãi và giao hàng nhanh của TikiNow Logistics.

Với tagline mới là “Tốt và Nhanh”, dường như Tiki sẽ dồn lực vào Tiki Trading trong “cuộc chiến” với các sàn TMĐT khác. Thực tế cho thấy ngay sau khi có định vị mới, Tiki đã công bố hợp tác phân phối với hàng loạt thương hiệu như Nike và Wuling – thương hiệu ô tô điện mini đang gây chú ý thời gian gần đây - thông qua Tiki Trading.

 

Ván cược của Tiki trong cuộc chiến TMĐT: Dồn lực vào chính mô hình "tự thân vận động" bị cho là điểm yếu - Ảnh 2.

Tuy nhiên, YouNet ECI đánh giá mặt trái của việc dựa quá nhiều vào Tiki Trading là Tiki sẽ thua thiệt so với các sàn TMĐT khác về độ đa dạng hàng hóa, cũng như độ hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi. Từ tháng 4 đến tháng 7, tổng GMV đến từ các shop khác, không phải Tiki Trading trên Tiki đã giảm 21%, chỉ còn 128,95 tỷ đồng (theo số liệu của YouNet ECI).

Hồi cuối tháng 6, báo cáo TMĐT tại Đông Nam Á của Momentum Works cũng phân tích thế khó của Tiki với mô hình 1P (First-Party) - vừa nhập hàng, vừa kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển, đặc biệt khi Shopee chính thức gia nhập thị trường Việt Nam năm 2016 với mô hình Marketplace – tức là thu hút các nhà bán hàng gia nhập hệ thống.

Hiện nay, Tiki duy trì cả mô hình 1P với Tiki Trading và mô hình 3P (Third-Party) – các nhà bán hàng bán trực tiếp tới tay người dùng trên sàn Tiki. Nhưng việc GMV đến quá nhiều từ mô hình 1P tại một thị trường TMĐT ở giai đoạn sớm (early stages) khiến Tiki tốn nhiều chi phí, trong khi việc mở rộng quy mô bị hạn chế.

Tương tự YouNet ECI, Momentum Works cũng chỉ ra rằng việc “tự thân vận động” – đảm nhiệm cả khâu nhập hàng lẫn bán hàng dẫn đến tính đa dạng sản phẩm/người bán thấp hơn nhiều so với các nền tảng Marketplace khác như Shopee hay Lazada.

Triển vọng đối với "lối đi riêng" của Tiki

Bất chấp những mặt trái kể trên, YouNet ECI quan sát được rằng từ năm 2021, xu hướng các nhãn hàng muốn mở kênh phân phối chính hãng trên các sàn TMĐT ngày càng rõ rệt.

Đến tháng 6/2023 vừa qua, lần đầu tiên bảng xếp hạng YouNet ECI Ranking thuộc YouNet ECI ghi nhận toàn bộ 9/9 ngành hàng trong BXH đều có hơn 50% GMV tháng đến từ các gian hàng chính hãng thương hiệu.

“ Với nền tảng giao vận và công nghệ sẵn có, Tiki hoàn toàn có thể trở thành đối tác đáng tin cậy cho các nhãn hàng trong mục tiêu này. Tuy nhiên, với giới hạn về số lượng hàng hóa và ưu đãi, Tiki trong giai đoạn mới này sẽ khó có thể tăng trưởng thần tốc như trước kia ”, YouNet ECI nhận định.

Tháng 6/2023, YouNet ECI ghi nhận tổng GMV của Tiki tăng trở lại 21,22%, sau cú giảm sâu 37% chỉ trong một tháng hồi tháng 4. Sang tháng 7, GMV của Tiki tiếp tục tăng 12,46%, đạt 513,79 tỷ đồng.

“ Tuy mức GMV này còn khiêm tốn so với Shopee và Lazada, nhưng về tốc độ tăng trưởng thì từ tháng 5 đến tháng 7/2023, Tiki tăng GMV nhanh hơn hai sàn đối thủ. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Tiki đang tự tin với một hướng đi sáng hơn, sẵn sàng quay trở lại đường đua trong mùa mua sắm cuối năm ”, YouNet ECI phân tích.

 

Ván cược của Tiki trong cuộc chiến TMĐT: Dồn lực vào chính mô hình "tự thân vận động" bị cho là điểm yếu - Ảnh 3.

Website đang trong giai đoạn thử nghiệm