Website đang trong giai đoạn thử nghiệm
Hướng dẫn
Shark Bình: Sàn thương mại điện tử phải 'vặt lông vịt' để kiếm lời
17:17 - 20/03/2024

Để có thể trụ được tại thị trường hàng hóa trực tuyến ở Việt Nam, các sàn thương mại điện tử phải "đốt hàng tỉ USD" nên theo Shark Bình, sẽ đến lúc các đơn vị này phải kiếm lời.

Nếu được “cá mập” lựa chọn, họ sẽ có cơ hội nhuận khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD để thực hiện ước mơ khởi nghiệp.

Sàn thương mại điện tử "vặt lông vịt" 1-2 năm để bù lỗ 10 năm?

Doanh nhân Nguyễn Hòa Bình (thường được gọi Shark Bình sau khi ông tham gia chương trình Shark Tank phiên bản Việt) mới đây đã chia sẻ thông tin liên quan đến vấn đề nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam hiện nay. Ông từng khởi nghiệp với sàn TMĐT từ năm 2005, nhưng đến 2015 thì "không chịu nổi nhiệt với các sàn nước ngoài" có số tiền đầu tư khổng lồ nên phải đóng cửa dự án và vẫn luôn đau đáu với mảng này.

Nhìn vào thực tế hiện nay, ông cho rằng các nhà bán tại Việt Nam "đã nghèo lại gặp phải cái eo" là hàng Trung Quốc xuyên biên giới giá rẻ đang tràn ngập trên các sàn TMĐT. Vị doanh nhân e ngại những người kinh doanh trực tuyến tại Việt Nam sẽ sớm chẳng còn mấy ai và câu chuyện "thua trên chính sân nhà" lại xảy ra.

Ngoài tâm sự trên, ông cũng đính kèm ảnh chụp màn hình bài đăng phàn nàn của một nhà bán hàng (đã che thông tin) về vấn đề sàn giữ tiền của người bán quá lâu, đồng thời chào mời dịch vụ cho vay vốn kinh doanh.

"Hôm nay vừa nghe có nhà bán hàng online kêu như vạc vì có sàn 'bên tay phải' thì tăng thời gian trả tiền lên 30 ngày, tổng thời gian ôm tiền có thể lên đến 45 ngày. 'Bên tay trái' thì sàn chẳng ngại giới thiệu luôn dịch vụ cho vay vốn kinh doanh, thành ra nhà bán tự vay tiền của chính mình và trả thêm lãi phí cho sàn", Shark Bình chia sẻ. Theo ông, điều này như việc "vặt lông vịt nhưng không cho chúng được kêu".

"Biết rằng sau khi đốt hàng tỉ USD để hốt trọn thị trường mua bán hàng hóa online thì cũng đến lúc các sàn phải 'vặt lông vịt' để kiếm lời, nghe đâu lãi 1 - 2 năm đã bù hết lỗ cả 10 năm", ông Nguyễn Hòa Bình đăng trên trang Facebook cá nhân.

"Không có chuyện giam tiền của nhà bán"

Theo một số người theo dõi lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam, vấn đề được Shark Bình đề cập tới có thể liên quan đến việc thay đổi chính sách của sàn Shopee gần đây, khi đơn vị này bổ sung thời gian cho phép người mua trả hàng, yêu cầu hoàn tiền lên tới 15 ngày. "Trên thực tế, mốc 15 ngày là thời gian tối đa để người mua đưa ra yêu cầu hoàn trả sản phẩm, không liên quan đến việc sàn giữ tiền của nhà bán trong bao lâu", một chuyên gia nhận định.

Cụ thể, theo chính sách hiện tại của Shopee, với các đơn hàng được thực hiện thành công, sau 7 ngày kể từ khi đơn vị vận chuyển xác nhận tình trạng "Đã giao hàng" tới người mua thì sàn sẽ thanh toán phần tiền (sau khi đã trừ các chi phí theo quy định) vào ví Shopee của người bán. 

Lúc này, người bán có quyền tiếp tục giữ tiền tại đây, chờ tới thời hạn rút tiền tự động (miễn phí) định kỳ, hoặc bấm yêu cầu rút tiền (có mất phí giao dịch với ngân hàng) theo nhu cầu. Do đó, nhà bán hoàn toàn chủ động trong việc quản lý dòng tiền của mình, không chịu cảnh giam tiền dẫn tới được chào mời dịch vụ vay vốn kinh doanh như Shark Bình nhắc tới.

Sau tối đa 7 ngày từ khi đơn hàng giao thành công, người bán sẽ nhận thanh toán từ sàn

Sau 7 ngày từ khi đơn hàng giao thành công, người bán sẽ nhận thanh toán từ sàn vào ví điện tử cá nhân

"Mốc 15 ngày trong chính sách mới là thời gian để tăng quyền lợi cho người mua hàng trực tuyến, không có chuyện giữ tiền tới 15 ngày hay lâu hơn", nguồn tin từ nhà bán hàng Shopee cho biết. Trong trường hợp bên mua khiếu nại sản phẩm sau thời điểm sàn đã trả tiền cho bên bán, Shopee có trách nhiệm trung gian để xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi của đôi bên. Khi không thể hòa giải, sàn phải đứng ra nhận trách nhiệm hoàn trả tiền cho khách nếu lý do chính đáng.

Liên quan đến câu chuyện vay vốn kinh doanh, đây là hoạt động liên kết giữa sàn với ngân hàng. Trong đó sàn phải cam kết, đảm bảo nhà bán có đủ khả năng trả nợ thì mới được ngân hàng duyệt vay, với lãi suất theo chính sách của ngân hàng.

Khi nào người mua được yêu cầu hoàn hàng?

Ngoài những lý do khiếu nại cơ bản như hàng lỗi, không hoạt động, hết hạn sử dụng, khác với mô tả, đã qua sử dụng, sàn TMĐT còn bổ sung tính năng cho phép trả hàng nếu người dùng thay đổi quyết định sau khi mua hàng. Sau khi người mua gửi yêu cầu trả hàng/hoàn tiền, Shopee sẽ đóng vai trò trung gian kiểm tra và xử lý khiếu nại giữa hai bên trong giao dịch (người mua và người bán).

Sàn cũng cho phép người bán khiếu nại nếu quyết định đưa ra chưa thỏa đáng để bảo vệ quyền lợi của các nhà bán hàng.

Quyền lợi trả hàng theo nhu cầu sẽ chỉ áp dụng với những sản phẩm giữ nguyên vẹn, nguyên tem, hộp sản xuất, đầy đủ phụ kiện, giấy tờ để người bán có thể tiếp tục sử dụng cho những đơn hàng tiếp theo. Các nhà bán hàng cũng không phải chịu tỷ lệ đơn hàng không thành công đối với trường hợp này, đồng thời được cam kết miễn phí vận chuyển chiều giao.

Website đang trong giai đoạn thử nghiệm