Website đang trong giai đoạn thử nghiệm
Hướng dẫn
“Cửa sáng” nào cho các “tay chơi” thương mại điện tử trước biến động?
19:45 - 29/03/2024

Dù tăng trưởng hai con số nhưng TMĐT Việt Nam cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng của các thách thức. Điều này buộc các sàn TMĐT cần tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược nhằm duy trì vị thế, kinh doanh hiệu quả và bền vững.
Những cơn gió ngược 

Báo cáo Toàn cảnh thị trường Sàn bán lẻ trực tuyến 2023 cho biết, doanh thu trên 5 sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop) năm vừa qua đạt 232.134 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 53% so với 2022. TMĐT tiếp tục được đánh giá là gam màu sáng với mức tăng trưởng vượt trội và diễn biến sôi động, đóng góp tích cực cho nền kinh tế số của đất nước.

Dẫu vậy, TMĐT cũng không miễn nhiễm trước cơn “ốm sốt” của nền kinh tế toàn cầu. Bất chấp tổng giá trị giao dịch hàng hóa liên tục phá đỉnh cũ, ngành TMĐT vẫn diễn ra làn sóng sa thải như nhiều doanh nghiệp công nghệ khác. Năm 2023, hầu hết các nền tảng TMĐT trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều giảm quy mô nhân sự, thậm chí vẫn tiếp diễn vào đầu năm 2024.

Trên thực tế, đây không phải động thái bất ngờ khi các doanh nghiệp này đang phải gồng mình tìm điểm cân bằng trước sức ép từ cả bên trong và bên ngoài. Một mặt, sau hơn một thập kỷ miệt mài “đốt tiền”, những “tay chơi” TMĐT trên thị trường đều chịu áp lực tối ưu chi phí và tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư không còn “dễ dãi” và dồi dào. Mặt khác, cùng lúc đó, các nền tảng này vẫn phải gia tăng năng lực cạnh tranh trước sự thay đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ và mua sắm mới.

Điều này khiến 2024 tiếp tục được đánh giá là một năm nhiều sóng gió với nền kinh tế nói chung và TMĐT nói riêng. Tại Việt Nam, nếu như “miếng bánh” thị phần đã dần được định hình, các “tay chơi” vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh các chiến lược nhằm duy trì vị thế, kinh doanh hiệu quả và bền vững.

Thay đổi: Chiến lược trong cơn “ốm sốt” của nền kinh tế

Bên cạnh những điều chỉnh về cơ cấu nhân sự, từ năm 2023 đến nay, các sàn TMĐT cũng cho thấy những nỗ lực thay đổi các chiến lược kinh doanh của mình.

Tiki đã thực hiện thay đổi bộ nhận diện thương hiệu từ tháng 8/2023, bao gồm cả logo và tagline. Thông điệp “Tìm kiếm và Tiết kiệm” vốn là xuất phát điểm của tên thương hiệu “Tiki” cũng được đổi thành “Tốt và Nhanh”, nhằm nhấn mạnh mục tiêu chỉ cung cấp hàng chính hãng 100% và đẩy mạnh nhận hàng nhanh. Đồng thời, Tiki cũng có động thái dồn lực cho mô hình 3P, hay còn được biết đến với cái tên quen thuộc hơn là Tiki Trading, nơi sàn này tự nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển.

Trong khi đó, Shopee mạnh tay đầu tư phát triển mô hình livestream bán hàng. Đồng thời, các chính sách hoàn trả hàng cũng thay đổi đáng kể - mà theo sàn TMĐT này, là nhằm bảo vệ tốt hơn cho người tiêu dùng

Còn Lazada - một trong những “tay chơi” chính trên thị trường, cũng đang có những tính toán mới sau hơn một thập kỷ hiện diện tại Việt Nam. Là doanh nghiệp góp phần quan trọng vào công cuộc khai mở và định hình nên thị trường TMĐT đầy tiềm năng tại Việt Nam, Lazada vốn đã xây dựng được vị thế nhất định trong lòng người tiêu dùng với mô hình gian hàng chính hãng (LazMall) tập trung đông đảo các thương hiệu uy tín từ trong nước đến quốc tế. Thậm chí, có những thương hiệu chỉ xuất hiện độc quyền trên Lazada. Cũng bởi vậy mà Lazada đang là nền tảng ghi nhận giá trị trung bình mỗi sản phẩm giao dịch cao thứ hai thị trường, theo báo cáo mới nhất của YouNet ECI. Cụ thể, giá trị trung bình mỗi sản phẩm được bán ra tại Lazada đạt hơn 162.000 đồng/sản phẩm.

Nhưng giờ cũng là lúc nền tảng này đưa ra những chiến lược then chốt để mở rộng miếng bánh thị phần, rõ rệt nhất có thể thấy là việc ứng dụng công nghệ thông minh để hỗ trợ trải nghiệm cho cả người mua và người bán trên sàn.

Từ phía nhà bán hàng, Lazada sử dụng công nghệ sáng tạo nội dung có thể được tối ưu hóa SEO, giúp gian hàng có thể tiếp cận được với khách hàng tốt hơn thông qua tính năng tạo thông tin sản phẩm bằng AI.

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Trung Kiên – nhà bán hàng trên Lazada: “Bạn chỉ cần cung cấp một số thông tin cơ bản như 1 tấm hình, tên đầy đủ sản phẩm, ngay lập tức AI của Sàn TMĐT sẽ dễ dàng tạo ra cho bạn một listing sản phẩm đầy đủ mọi thông tin giúp tiết kiệm tới 80% thời lượng so với đăng một sản phẩm thông thường. Tăng trải nghiệm bán hàng của seller. Theo kinh nghiệm thì những sản phẩm được hỗ trợ đăng lên từ AI sẽ đang được đề xuất tìm kiếm hơn, cho ra kết quả với người tiêu dùng gia tăng tỷ lệ truy cập và doanh số”.

Đối với người tiêu dùng, bên cạnh hàng loạt những ứng dụng đã được nền tảng này giới thiệu trong thời gian trước đây, thì Lazada cũng mới triển khai thêm nhiều tính năng có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, có thể kể đến như tính năng Đề xuất Điểm nổi bật của Sản phẩm. Đây là tính năng được tạo ra để hỗ trợ người dùng có thể nhanh chóng nắm bắt các thông tin cốt lõi về sản phẩm ngay lần xem đầu tiên và giúp gia tăng sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm – vốn được xem là yếu tố then chốt khi đưa ra quyết định mua sắm của người dùng trên TMĐT.

Việc tập trung vào công nghệ gia tăng trải nghiệm được nhận định sẽ là con đường bền giúp Lazada giữ chân cả người bán và người mua, thiết lập thế cân bằng trong hệ sinh thái TMĐT, thay vì chỉ tập trung vào giảm giá, free–shipping.

2024 tiếp tục được dự báo sẽ là năm bùng nổ của thị trường TMĐT. Dù có những hướng đi khác nhau, các sàn TMĐT đều đang cho thấy những nỗ lực cải tiến không ngừng để vượt qua các thách thức chung của thị trường, đồng thời nắm bắt cơ hội tăng trưởng mới.

Website đang trong giai đoạn thử nghiệm