Website đang trong giai đoạn thử nghiệm
Hướng dẫn
Chạy đua giao hàng
18:02 - 15/03/2024

Thị trường TMĐT được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2024, đòi hỏi các sàn TMĐT và doanh nghiệp phải nâng cao hoạt động logistics để đáp ứng nhu cầu của người dùng.

Theo đánh giá của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thị trường TMĐT Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đột phá trong năm 2023 với quy mô bán lẻ ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước đó.

Báo cáo mới nhất của nền tảng phân tích dữ liệu Metric cũng cho thấy tổng doanh thu trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong một năm, lên hơn 232.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

“Năm 2024 dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn khả quan và việc tăng trưởng sẽ tùy thuộc vào khả năng thích ứng cũng như lợi thế cạnh tranh của từng doanh nghiệp. Trong đó, tiêu chí hàng đầu để đánh giá lợi thế cạnh tranh của các sàn TMĐT chính là gia tăng trải nghiệm đầu cuối cho người dùng”, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, nhận định.

Giao hàng thành vùng cạnh tranh mới

Trên thực tế, các sàn TMĐT dần nhận thức rõ sự ảnh hưởng của hoạt động logistics. Đây là mắt xích quyết định đến trải nghiệm mua sắm liền mạch kể từ lúc đặt hàng cho đến khi nhận hàng của người dùng. Theo đó, tốc độ và chất lượng giao dịch sẽ là yếu tố đánh giá uy tín và vị thế của sàn TMĐT trong mắt khách hàng.

Tại một diễn đàn về bưu chính cuối năm 2023, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam - nhấn mạnh thời gian nhận hàng và thái độ của shipper đóng vai trò quyết định đối với trải nghiệm của khách hàng, do đó các sàn TMĐT buộc phải đầu tư hình ảnh cho cả đơn vị vận chuyển.

Vì vậy, những tiêu chí đầu tiên khi Lazada lựa chọn đơn vị vận chuyển là chất lượng dịch vụ, thái độ của nhân viên và hệ thống công nghệ phân loại hàng hóa. Bên cạnh đó, năng lực vận hành trong ngày cao điểm và các kỳ khuyến mãi, thời điểm sản lượng hàng hóa qua kênh TMĐT tăng vọt, cũng cần được đáp ứng.

Tình trạng hàng hóa thường xuyên tắc nghẽn vào mùa cao điểm như Tết Nguyên đán đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp giao vận. Ảnh: GHTK.

giao hang tmdt,  cuoc dua giao hang,  thuong mai dien tu anh 1

Tình trạng hàng hóa thường xuyên tắc nghẽn vào mùa cao điểm như Tết Nguyên đán đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp giao vận. Ảnh: GHTK.

Trong bối cảnh cả quy mô TMĐT lẫn lượng vận đơn liên tục bùng nổ, các sàn TMĐT đều cố hoàn thiện hoạt động logistics về những điều cơ bản nhất là giao đúng, đủ, nguyên vẹn tại đúng địa điểm và thời gian đã cam kết với khách hàng.

Nắm bắt nhu cầu này, lãnh đạo Shopee cho biết nền tảng cũng đang tập trung cải thiện quy trình giao nhận, rút ngắn thời gian giao hàng và mang đến nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dùng.

“Shopee đã và đang hợp tác cùng các đơn vị vận chuyển sở hữu trung tâm phân loại hiện đại, kho bãi chuyên nghiệp. Điều này giúp chúng tôi dễ dàng rút ngắn thời gian giao nhận, đồng thời hỗ trợ người bán gia tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng khi kinh doanh trực tuyến”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo sàn TMĐT này cho biết đơn vị đang nâng cấp quy trình đổi, trả, đồng kiểm hàng hóa nhằm gia tăng trải nghiệm cho người dùng.

Hiện tại, các nền tảng TMĐT như Shopee, Lazada đang phối hợp với nhiều đối tác giao vận như Viettel Post, SPX, Giao Hàng Nhanh, Giao Hàng Tiết Kiệm, J&T Express, Best Express, Ninja Van, VNPost… Trong trường hợp khách hàng có nhu cầu giao hàng hỏa tốc trong vòng vài tiếng, các sàn cũng kết hợp với các hãng gọi xe công nghệ như Grab, Be hay Ahamove.

Doanh nghiệp logistics giành thị phần

Sự bùng nổ của thị trường giao vận dưới đà tăng trưởng của TMĐT mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics. Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp logistics gia nhập thị trường tăng 10-15% mỗi năm, tạo ra hơn 700 đơn vị cung cấp các dịch vụ vận chuyển trên khắp cả nước.

Song, việc có chỗ đứng trên thị trường hay giành được một phần trong “miếng bánh” giao vận đòi hỏi các doanh nghiệp logistics không ngừng cải tiến về công nghệ lẫn đào tạo đội ngũ nhân viên. Áp lực này cũng tạo ra cuộc đua nâng cấp hệ thống kho bãi trong vài năm trở lại đây.

Điển hình như đầu năm nay, Viettel Post đã khai trương tổ hợp chia chọn thông minh sử dụng robot tự hành, qua đó nâng công suất xử lý lên 1,4 triệu bưu kiện mỗi ngày, tăng 40% so với trước đây. Tổng mức chịu tải hàng ngày của toàn hệ thống nhờ đó cũng mở rộng lên 4 triệu bưu kiện.

Một số doanh nghiệp logistics đã áp dụng robot vào dây chuyền chia chọn hàng hóa. Ảnh: Viettel Post.

giao hang tmdt,  cuoc dua giao hang,  thuong mai dien tu anh 2

Một số doanh nghiệp logistics đã áp dụng robot vào dây chuyền chia chọn hàng hóa. Ảnh: Viettel Post.

Hay năm ngoái, Giao Hàng Nhanh đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng kho trung chuyển Xuyên Á ở Long An, nâng tổng diện tích cơ sở hạ tầng của đơn vị lên 150.000 m2 với 30 kho phân loại và chuyển tiếp khắp toàn quốc. Tốc độ xử lý đơn hàng trên toàn hệ thống cũng tăng lên gấp 2 lần trong khi chi phí mạng lưới giao hàng được tối ưu 15%.

Hiện tại, Giao Hàng Nhanh đang đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động kho phân loại lớn tiếp theo tại Hưng Yên với diện tích 100.000 m2 vào đầu năm 2025.

Trong lúc này, SPX cũng khánh thành trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á tại KCN VSIP (Bắc Ninh) với tổng diện tích 100.000 m2. Trung tâm này có công suất xử lý 2,5 triệu bưu kiện/ngày trong giai đoạn 1 và dự kiến nâng lên 5 triệu bưu kiện/ngày ở giai đoạn 2.

Đại diện của SPX chia sẻ thêm trong thời gian tới, đơn vị không chỉ tập trung tối ưu hóa thời gian xử lý đơn hàng và giao hàng mà còn tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng phục vụ người dùng, đồng thời duy trì các dịch vụ ổn định ngay cả giai đoạn mua sắm cao điểm. Nhờ đó, thị trường logistics sẽ là nhân tố góp phần trực tiếp vào sự phát triển của TMĐT nói chung và các doanh nghiệp thuộc đa dạng lĩnh vực nói riêng.

Website đang trong giai đoạn thử nghiệm