Website đang trong giai đoạn thử nghiệm
Hướng dẫn
7.000 nạn nhân bị lừa mua 'điện thoại giá rẻ' trên nền tảng TMĐT, 'bay mất' 90 tỷ đồng
11:39 - 13/04/2024

CSĐT đã khởi tố 22 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả.

Hôm nay (ngày 8/4), Công an Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây bán điện thoại giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử như Facebook, Shopee, Lazada ,TikTok, Tiki. Nạn nhân của đường dây này đã lên đến khoảng 7.000 bị hại tại địa bàn nhiều tỉnh thành trên cả nước, chiếm đoạt khoảng hơn 90 tỷ đồng.

Hiện tại, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật tài liệu có liên quan.

Cầm đầu đường dây này là "bà trùm" Bùi Thị Hương (SN 1981, ngụ tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội) và 2 cộng sự đắc lực là vợ chồng Đặng Thị Thêm (SN 1995, ngụ tại địa chỉ Phòng 204, số 55 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP.Hà Nội) và Lê Quang Vinh (SN 1993, trú tại số 10 Lý Tự Trọng, phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Tại cơ quan chức năng, bà Bùi Thị Hương khai nhận, từ tháng 6/2022, đối tượng này bắt đầu kinh doanh điện thoại di động trên Shopee nhưng không thành công. Sau đó, Hương đã bàn với đồng bọn về việc thực hiện hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Cơ hội nào cho nhà bán hàng khi người tiêu dùng trên TMĐT đang ngày càng “quyền lực”- Ảnh 1.

Hương đã sử dụng nền tảng thương mại điện tử Taobao để đặt mua các sản phẩm là dây sạc, sạc dự phòng và các loại điện thoại giả từ Trung Quốc và chỉ đạo Đức mua hộp đựng và túi ni lông bọc ngoài hộp đựng (gọi là seal) để ghép lại với nhau thành các sản phẩm giả, có trọng lượng tương đương với hàng thật nhằm lừa đảo người mua tin rằng đó là hàng chính hãng.

Tháng 1/2024, phòng CSHS Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo dưới hình thức bán điện thoại giả trên các nền tảng mạng xã hội, nhờ sự tố giác của các nạn nhân.

Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã tuyển dụng và đào tạo nhân viên để thực hiện các bước như lập các gian hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, TikTok, Tiki, chạy quảng cáo và tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Sau đó, các đối tượng đăng tải hình ảnh điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ dao động từ 1,5-2,5 triệu đồng, nhưng giao hàng là sản phẩm giả (gồm các cuộn dây sạc, sạc dự phòng, điện thoại có phím giá rẻ).

Khi tiếp cận được khách hàng, các đối tượng sẽ nhắn tin để tư vấn sản phẩm và thuyết phục khách mua hàng. Sau khi khách nhận hàng và thanh toán các đối tượng sẽ chặn liên lạc.

Công an xác định, đường dây này hoạt động từ 2019 đến nay, ước tính lừa đảo khoảng 7.000 bị hại, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng.

Website đang trong giai đoạn thử nghiệm